Theo quy định tại Khoản 1, Điều 144 Luật doanh nghiệp 2020 thì cổ đông là tổ chức có thể uỷ quyền bằng văn bản cho cá nhân khác tham gia dự họp đại hội đồng cổ đông. Đồng thời, người được uỷ quyền cũng có quyền uỷ quyền lại cho một cá nhân khác dự họp với tư cách là đại diện của cổ đông tổ chức.

Vấn đề phát sinh: Nếu việc uỷ quyền lại được người nhận uỷ quyền tự ý thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp mà không thông báo cho cổ đông là tổ chức biết và cổ đông tổ chức sau khi phát hiện ra không đồng ý với việc uỷ quyền lại thì sẽ như thế nào?

Hiện nay, luật doanh nghiệp chỉ quy định về việc cho phép uỷ quyền lại, ngoài ra không quy định chi tiết hơn đối với vấn đề đã nêu. Do đó, chúng ta có thể tham chiếu đến chế định uỷ quyền lại được quy định trong luật dân sự. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1, Điều 564 Bộ luật dân sự 2015 thì bên được uỷ quyền có thể uỷ quyền lại khi được sự đồng ý của bên uỷ quyền. Do đó, trong trường hợp người được uỷ quyền của cổ đông tổ chức thực hiện việc uỷ quyền lại cần có sự đồng ý bằng văn của tổ chức uỷ quyền trước đó. Nếu không có sự chấp thuận cho phép uỷ quyền lại từ tổ chức, việc uỷ quyền lại có thể đối diện rủi ro tổ chức yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài huỷ bỏ nghị quyết đại hội đồng cổ đông khi không thừa nhận tư cách đại diện của người được uỷ quyền lại.

Khuyến nghị: Đối với đơn vị tổ chức đại hội đồng cổ đông khi phát hiện ra vấn đề uỷ quyền lại này cần phải yêu cầu người tham gia họp cung cấp bằng chứng về việc đã được cho phép uỷ quyền lại thông qua một trong các hình thức sau:

  • 02 giấy uỷ quyền: Giấy đồng ý cho phép uỷ quyền lại của tổ chức và Giấy uỷ quyền lại.
  • Giấy uỷ quyền ký ba bên: giữa tổ chức – người được uỷ quyền – người được uỷ quyền lại.