Quy trình và thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng
Theo quy định tại Điều 41 Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Đăng ký chào bán
- Tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán gửi hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
- Tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán có nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.
Bước 2: Gửi Bản cáo bạch chính thức
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc yêu cầu hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 06 Bản cáo bạch chính thức để hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng hoặc từ chối.
Bước 3: Công bố Bản thông báo phát hành
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có hiệu lực, tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán phải công bố Bản thông báo phát hành trên 01 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 03 số liên tiếp và công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức (nếu có), Sở giao dịch chứng khoán.
- Bản cáo bạch chính thức phải được đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức (nếu có) và Sở giao dịch chứng khoán.
Bước 4: Phân phối chứng khoán
Tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán thực hiện phân phối chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán.
Bước 5: Gửi Báo cáo kết quả đợt chào bán và công bố thông tin
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, tổ chức phát hành hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành, cổ đông đăng ký chào bán phải gửi Báo cáo kết quả đợt chào bán kèm theo xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt chào bán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức (nếu có), Sở giao dịch chứng khoán về kết quả đợt chào bán.
Bước 6: Yêu cầu chấm dứt phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán
Sau khi có thông báo nhận được báo cáo kết quả đợt chào bán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức phát hành, cổ đông đăng ký chào bán được yêu cầu chấm dứt phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán.
Thực trạng và giải pháp chào bán chứng khoán ra công chúng
Năm 2020 – 2021 là giai đoạn thị trường chứng khoán trong nước có mức tăng trưởng mạnh. Năm 2022 được ghi nhận là một năm khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó, thị trường chứng khoán cũng chịu tác động không nhỏ và không có nhiều khởi sắc.
Thị trường chứng khoán mặc dù đà phát triển từ lâu, tuy nhiên mới chỉ được nhà đầu tư cá nhân quan tâm trong vài năm trở lại đây. Việc thiếu kiến thức về các hoạt động trên thị trường chứng khoán làm cho nhà đầu tư cá nhân gặp rủi ro khi tham gia. Điều này dẫn tới mất niềm tin vào thị trường chứng khoán đồng thời cũng gây ảnh hưởng tới nền kinh tế trên thị trường.
Từ thực trạng được đưa ra, có thể thấy quy định pháp luật về thị trường chứng khoán còn nhiều lỗ hỏng, cần có những giải pháp để giải quyết được các vấn đề nêu trên.
Về hoạt động giám sát
- Thứ nhất, tăng cường công tác giám sát đối với hoạt động kiểm toán của công ty đại chúng.
- Thứ hai, trao thẩm quyền điều tra, khởi tố cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước đối với các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán.
- Thứ ba, thống nhất các cơ quan giám sát trong lĩnh vực tài chính bằng cách sát nhập các cơ quan này vào Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Về hoạt động xử lý vi phạm pháp luật
- Các quy định về xử lý hành chính cần sửa đổi theo hướng tăng nặng mức phạt tiền.
- Đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự, cần bổ sung hướng dẫn cụ thể về tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán và quy định rõ ràng đối với khoản thu được từ hành vi bất hợp pháp. Khoản thu này sẽ được sử dụng để bồi thường cho nhà đầu tư và các bên có liên quan bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Về thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng
- Uỷ ban chứng khoán Nhà nước nên rà soát kỹ hơn về việc chào bán nhưng có thể giảm bớt một số thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng không cần thiết để rút ngắn thời gian đăng ký phát hành.
- Thời gian xét duyệt hồ sơ cũng cần được rút ngắn nhưng theo hướng xem xét chặt chẽ việc chào bán chứng khoán ra công chúng.
- Ngoài ra còn cần có những hình phạt khác bổ sung nhằm răn đe các chủ thể phát hành khi vi phạm pháp luật chứng khoán, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích cảu các nhà đầu tư, đảm bảo công bằng cho các tổ chức chào bán trên thị trường.
Trên đây là nội dung tư vấn của KALF về Quy trình và thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng. Tất cả các ý kiến tư vấn trên của chúng tôi đều dựa trên các quy định pháp luật hiện hành. Nếu như Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc, yêu cầu nào về các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp kịp thời.