Kiểm soát nội bộ là việc tạo ra và thực hiện các cơ chế hoạt động tài chính trong công ty bằng cách áp dụng các thủ tục, quy chế, quy định đã được thiết lập để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Hệ thống kiểm soát nội bộ này sẽ giám sát tất cả các khía cạnh từ nhân viên đến phòng ban và hệ thống của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro và hạn chế việc thất thoát tài sản công ty.
1. Mục tiêu của hệ thống kiểm soát nội bộ
Hiện nay, phương pháp quản lý ở các doanh nghiệp ở Việt chưa được rõ ràng và chặt chẽ. Các công ty nhỏ thường được quản lý theo kiểu gia đình, trong khi đó các doanh nghiệp lớn lại phân quyền cho cấp dưới mà thiếu đi sự kiểm soát đầy đủ và chặt chẽ. Tất cả các mô hình này đều thiếu quy chế kiểm tra chéo giữa các bộ phận và chỉ dựa trên sự tin tưởng cá nhân, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát rủi ro và gian lận trong nội bộ.
Việc thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ là rất cần thiết để doanh nghiệp có thể giám sát hoạt động một cách khách quan thay vì quản lý dựa trên lòng tin. Chủ doanh nghiệp cần thực hiện kiểm tra thông qua các quy định rõ ràng, cụ thể nhằm giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn trong kinh doanh; bảo vệ tài sản; đảm bảo tính chính xác của số liệu kế toán và báo cáo tài chính; tuân thủ các quy định của công ty và luật pháp; sử dụng tối ưu nguồn lực để đạt được các mục tiêu; bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, cổ đông và tạo lòng tin cho họ.
2. Vai trò của hệ thống kiểm soát nội bộ
Về cơ bản, kiểm soát nội bộ có vai trò quan trọng trong quản lý doanh nghiệp. Thông qua kiểm soát nội bộ, nhà quản lý có thể nhìn nhận được những thiếu sót trong hệ thống tổ chức từ đó đề ra các biện pháp để điều chỉnh kịp thời. Khi có kiểm soát, nhà quản lý sẽ có đầy đủ thông tin để ra quyết định thích hợp nhằm thích ứng với môi trường, đạt được mục tiêu đề ra.
Hoạt động của một doanh nghiệp luôn phải đối mặt với các vấn đề như hoạt động không hiệu quả, lãng phí nguồn lực, thiếu giám sát hiệu quả, tổ chức và chức năng kém, thiếu liên kết, tầm nhìn hạn chế, kiểm soát phức tạp, thông tin thiếu tính toàn vẹn, phức tạp một cách không cần thiết. Kiểm soát nội bộ thực chất là sự tích hợp các hoạt động, biện pháp, cơ chế kiểm soát bên trong doanh nghiệp nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra cho doanh nghiệp.
Vai trò của hệ thống kiểm soát nội bộ được thể hiện thông qua một số khía cạnh sau đây:
Thứ nhất:
- Hệ thống kiểm soát nội bộ giúp doanh nghiệp quản trị nguồn lực tốt hơn: Đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, sử dụng tối ưu các nguồn lực và đạt được mục tiêu đặt ra; bảo vệ tài sản khỏi bị hư hỏng; ngăn chặn sớm các gian lận, trộm cắp, tham nhũng, lợi dụng sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp.
Thứ hai:
- Kiểm soát nội bộ là công cụ hỗ trợ cho việc lập kế hoạch và ra quyết định: Nhờ việc được cung cấp thông tin kịp thời và phong phú về tất cả các mảng hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc kiểm soát chi phí chặt chẽ hơn, việc đưa ra các quyết định sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn; giúp việc ứng phó với các thay đổi môi trường kinh doanh tốt hơn và nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Thứ ba:
- Gia tăng hiệu quả quản lý ở tất cả các cấp quản lý: Kiểm soát nội bộ đòi hỏi được thực hiện ở mọi khâu hoạt động, mọi cấp quản lý đều hình thành các chốt chặn kiểm soát để thực hiện việc kiểm tra, giám sát và cung cấp các thông tin hữu ích giúp người quản lý thực hiện hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.
Thứ tư:
- Hệ thống kiểm soát nội bộ tạo ra cơ chế vận hành trơn tru, minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý điều hành của đơn vị.
Và thứ năm:
- Hệ thống kiểm soát nội bộ bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, cổ đông và gầy dựng lòng tin đối với họ.
3. Lợi ích từ hệ thống kiểm soát nội bộ mang lại
Thứ nhất:
- Kiểm soát nội bộ đòi hỏi phải phân tích và chuẩn hoá các quy trình hoạt động của doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp giảm thời gian hao phí, tăng khối lượng công việc được xử lý trong một khoảng thời gian. Nhờ đó tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Thứ hai:
- Hệ thống kiểm soát nội bộ giúp doanh nghiệp có thể giảm tỷ lệ sai sót, gia tăng tính chính xác của dữ liệu từ đó gia tăng chất lượng hoạt động kinh doanh.
Thứ ba:
- Hệ thống kiểm soát nội bộ nên văn hoá chung cho toàn doanh nghiệp để tất cả đều cùng hướng tới mục tiêu chung của doanh nghiệp, hướng tới phong cách làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật, hợp tác và chịu trách nhiệm khi mọi thành viên đều tuân thủ nội quy, quy chế, quy trình hoạt động của doanh nghiệp cũng như các quy định của pháp luật.
Thứ tư:
- Trong quá trình phát triển và hội nhập ngày nay, tham nhũng đã và đang được nhận diện ngày càng rõ ràng cả về tính chất, đặc điểm và tính nguy hiểm trên bình diện quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng, không chỉ trong khu vực công mà cả trong khu vực tư, làm suy yếu sức cạnh tranh và tạo ra những bất bình đẳng, cũng như làm giảm lòng tin đối với doanh nghiệp.
- Điều này đòi hỏi cần sớm có các biện pháp hữu hiệu để phòng chống tham nhũng góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế bền vững.
- Đáp ứng những đòi hỏi tất yếu của sự phát triển nền kinh tế thị trường cũng như quá trình hội nhập quốc tế, pháp luật về phòng chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay đang được hoàn thiện theo hướng tiếp cận điều chỉnh đa chiều, mềm dẻo, các quy định của pháp luật có liên quan được hoàn thiện theo hướng tạo cơ chế cho hoạt động phòng chống tham nhũng tại các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện một cách tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chủ động và tích cực.
Như vậy, việc thiết lập một hệ thống kiểm soát nội bộ đủ mạnh để quản lý rủi ro và ngăn ngừa tham nhũng là vấn đề mà mỗi doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm.
Hệ thống này cần được thiết kế và vận hành nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý gian lận hay sai sót có nguy cơ xảy ra để đảm bảo các hoạt động của doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo các thông tin tài chính được công bố là đáng tin cậy và các hoạt động đảm bảo tính hiệu lực, tính kinh tế, tính hiệu quả, trong đó chú trọng cơ chế khuyến khích các cổ đông hoặc người có lợi ích liên quan của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng tự phát hiện tham nhũng và tiến hành thủ tục cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn của KALF về Hệ thống kiểm soát nội bộ của công ty đại chúng và một số vấn đề pháp lý liên quan. Tất cả các ý kiến tư vấn trên của chúng tôi đều dựa trên các quy định pháp luật hiện hành. Nếu như Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc, yêu cầu nào về các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp kịp thời.