Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có cần giấy phép lao động hay không?

Căn cứ Điều 153 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài như sau:

– Người lao động nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

– Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì phải có Giấy phép lao động, đây là trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài.

Giấy phép lao động hết hiệu lực khi nào?

Theo Điều 156 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực như sau:

“Điều 156. Các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực

1. Giấy phép lao động hết thời hạn.

2. Chấm dứt hợp đồng lao động.

3. Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp.

4. Làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp.

5. Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn hoặc chấm dứt.

6. Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

7. Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng lao động là người nước ngoài chấm dứt hoạt động.

8. Giấy phép lao động bị thu hồi.”

Chấm dứt hợp đồng lao động thì Giấy phép lao động có bị thu hồi không?

Theo Điều 20 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động như sau:

“Điều 20. Các trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động

1. Giấy phép lao động hết hiệu lực theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 156 của Bộ luật Lao động.

2. Người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài không thực hiện đúng quy định tại Nghị định này.

3. Người lao động nước ngoài trong quá trình làm việc ở Việt Nam không thực hiện đúng pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”

Như vậy, chấm dứt hợp đồng lao động sẽ thuộc trường hợp Giấy phép lao động hết hiệu lực căn cứ tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp bị thu hồi giấy phép lao động thì Giấy phép lao động sẽ bị thu hồi.

Trình tự, thủ tục đối với Giấy phép lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động ra sao?

Căn cứ Điều 21 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về trình tự thu hồi giấy phép lao động như sau:

– Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này thì trong 15 ngày kể từ ngày giấy phép lao động hết hiệu lực, người sử dụng lao động thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài để nộp lại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó kèm theo văn bản nêu rõ lý do thu hồi, trường hợp thuộc diện thu hồi nhưng không thu hồi được.

– Đối với trường hợp quy định tại khoản 2, 3 Điều 20 Nghị định này thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động ra quyết định thu hồi giấy phép lao động theo Mẫu số 13/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và thông báo cho người sử dụng lao động để thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài và nộp lại cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép lao động đã thu hồi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản xác nhận đã thu hồi giấy phép lao động gửi người sử dụng lao động.

(Nguồn: Thư viện pháp luật)