Điều lệ công ty đại chúng là gì?

Điều lệ công ty đại chúng là bản thỏa thuận giữa các chủ sở hữu công ty/giữa những người sáng lập với nhau và giữa những người sáng lập với những người góp vốn nhằm cam kết, ràng buộc các thành viên trong quy định chung, thống nhất về cách tạo lập, góp vốn, bộ máy tổ chức, quản lý, hoạt động…

Có thể nói, Điều lệ công ty đại chúng như một bản Hiến pháp của mỗi doanh nghiệp. Theo khoản 1 Điều 24 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, Điều lệ công ty đại chúng gồm:

  • Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp
  • Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động.
Điều lệ công ty đại chúng như một bản Hiến pháp của mỗi doanh nghiệp. Ảnh: Internet.
Điều lệ công ty đại chúng như một bản Hiến pháp của mỗi doanh nghiệp. Ảnh: Internet.

Nội dung của điều lệ công ty đại chúng

Điều lệ công ty đại chúng phải đảm bảo tính pháp lý, minh bạch, rõ ràng và cần phải được thực hiện đầy đủ các nội dung quy định trong luật.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

“2. Điều lệ công ty bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);

b) Ngành, nghề kinh doanh;

c) Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;

d) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh. Số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá từng loại cổ phần của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;

đ) Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;

e) Cơ cấu tổ chức quản lý;

g) Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;

h) Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

i) Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên;

k) Trường hợp thành viên, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;

l) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;

m) Trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;

n) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.”

Điều lệ công ty phải đảm bảo tính pháp lý, minh bạch, rõ ràng. Ảnh: Internet.
Điều lệ công ty phải đảm bảo tính pháp lý, minh bạch, rõ ràng. Ảnh: Internet.

Các nguyên tắc cơ bản khi xây dựng điều lệ công ty đại chúng

  • Không được trái quy định của pháp luật/không được xâm phạm đến lợi ích của bên thứ 3;
  • Tự nguyện và thỏa thuận trong khuôn khổ pháp luật quy định;
  • Phải đảm bảo đầy đủ nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật;
  • Phải được sự chấp thuận của tất cả các thành viên sáng lập.

Điều lệ công ty đại chúng

  • Căn cứ tại Khoản 1 Điều 270 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, điều lệ công ty được Đại hội đồng cổ đông thông qua được quy định cụ thể như sau:

“1. Điều lệ công ty được Đại hội đồng cổ đông thông qua và không được trái với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, các quy định tại Nghị định này và văn bản pháp luật có liên quan.”

  • Công ty đại chúng tham chiếu Điều lệ theo mẫu Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 116/2020/TT-BTC để xây dựng Điều lệ công ty, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Điều lệ công ty được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Ảnh: Internet.
Điều lệ công ty được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Ảnh: Internet.

 

Hình thức thông qua sửa đổi nội dung Điều lệ công ty

Công ty đại chúng muốn sửa đổi nội dung Điều lệ bắt buộc phải thông qua Đại hội cổ đông, theo quy định tại Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020.

Đại hội đồng cổ đông thông qua sửa đổi Điều lệ công ty đại chúng bằng hình thức được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 147 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

1. Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.

2. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về các vấn đề sau đây phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông:

a) Sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều lệ công ty;

b) Định hướng phát triển công ty;

c) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;

d) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;

đ) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác;

e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

g) Tổ chức lại, giải thể công ty.”

Trên đây là nội dung tư vấn của KALF về Điều lệ công ty đại chúng và một số vấn đề pháp lý liên quan. Tất cả các ý kiến tư vấn trên của chúng tôi đều dựa trên các quy định pháp luật hiện hành. Nếu như Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc, yêu cầu nào về các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp kịp thời.