Khái niệm về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh theo pháp luật Việt Nam. Như vậy, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là việc các nhà đầu tư ở nước ngoài (doanh nghiệp hoặc cá nhân) bỏ tài sản hoặc vốn đầu tư vào Việt Nam theo những hình thức mà pháp luật đề ra.

Các vấn đề liên quan nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là việc các nhà đầu tư ở nước ngoài (doanh nghiệp hoặc cá nhân) bỏ tài sản hoặc vốn đầu tư vào Việt Nam theo những hình thức mà pháp luật đề ra.
Ảnh: Internet

Quyền của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư trực tiếp vào Việt Nam có thể lựa chọn các hình thức đầu tư khác nhau như thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp… Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khi nắm quyền kiểm soát một doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ được hưởng những quyền lợi cơ bản dành cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7, Luật Doanh nghiệp 2020.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn được hưởng những quyền lợi sau:

  • Quyền được công nhận và bảo hộ quyền về sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác.
  • Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có quyền được bảo đảm sở hữu tài sản. Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có quyền được chuyển tài sản của mình ra nước ngoài sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam.
  • Quyền được đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giúp các nhà đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững.
  • Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được cấp thẻ tạm trú có thời hạn từ ba năm đến mười năm phụ thuộc vào khoản tiền đầu tư tại Việt Nam.

Nghĩa vụ nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

  • Tuân thủ pháp luật Việt Nam trong quá trình đầu tư kinh doanh.
  • Đảm bảo khả năng tài chính và góp vốn đầu tư theo đúng tiến độ dự án đã đăng ký.
  • Đáp ứng các điều kiện đối với các ngành nghề yêu cầu về điều kiện đầu tư kinh doanh trong xuyên suốt quá trình đầu tư.
  • Kê khai và nộp đầy đủ các loại nghĩa vụ tài chính, thuế theo quy định.

Ưu đãi đầu tư của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng các ưu đãi sau:

Các vấn đề liên quan nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Các vấn đề liên quan nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Ảnh: Internet

Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp

Áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, trong đó được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với:

  • Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
  • Thu nhập doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực bảo vệ môi trường; công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn, doanh thu cực lớn và sử dụng số lượng lớn người lao động theo quy định của luật; thuộc lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghệ cao và các ngành dệt may, da giày, điện tử – tin học, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo mà trong nước chưa sản xuất được.
  • Áp dụng thuế suất 10% cho toàn thời hạn thực hiện dự án đối với phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp; hoạt động xuất bản, báo in; phần thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua;…
  • Đối với các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; sản xuất thép, sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông-lâm-ngư-diêm nghiệp, sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản; phát triển ngành nghề truyền thống và thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp sẽ được hưởng mức thuế suất 17% trong 10 năm trong đó có 2 năm được miễn thuế và 4 năm tiếp theo được giảm 50% số thuế phải nộp.

Ưu đãi đầu tư về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong các trường hợp theo luật định.

Miễn thuế đối với một số loại hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư vào lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu hoặc địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Ngoài ra doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn được xem xét hoàn thuế và giảm thuế trong các trường hợp theo luật định.

Ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài về đất đai

Những ưu đãi như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê và miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước có thời hạn sau thời gian xây dựng cơ bản.

Ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài đối với khu công nghiệp, khu kinh tế

Khu công nghiệp và khu kinh tế là 2 địa bàn được nhận ưu đãi đầu tư theo Điều 22, Nghị định 35/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Khu công nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư khi thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
  • Khu kinh tế sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư khi thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
  • Nhà đầu tư sẽ được trừ chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, mua, thuê nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc khi xác định thu nhập chịu thuế.
  • Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và quy định khác liên quan.

Đối với nhà đầu tư có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề có liên quan khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Các vấn đề liên quan nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Các vấn đề liên quan nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ảnh: Internet

Lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường Việt Nam không những được hưởng những quyền lợi và lợi ích hợp pháp từ Nhà nước Việt Nam mà còn được hưởng các ưu đãi mà không phải bất kì thị trường nào cũng có thể làm được. Một trong những lý do Việt Nam dần trở thành thị trường thu hút vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Đông Nam Á bởi vì đây là đất nước có nền kinh tế, chính trị ổn định và năng động.

Với vị trí thuận lợi cùng với các chính sách mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài đã tạo nên một môi trường kinh doanh trẻ và không ngừng phát triển. Từ những lý do trên có thể thấy được Việt Nam là một thị trường hoàn toàn có thể đáp ứng được các nhu cầu và lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của KALF về Các vấn đề liên quan nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tất cả các ý kiến tư vấn trên của chúng tôi đều dựa trên các quy định pháp luật hiện hành. Nếu như Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc, yêu cầu nào về các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp kịp thời.