1. Kinh doanh dịch vụ Logistic tại Việt Nam: Khái niệm Logistic
Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
2. Điều kiện kinh doanh Logistics đối với nhà đầu tư nước ngoài
Điều kiện chung
Thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể thuộc dịch vụ logistics quy định tại Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó.
Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể quy định tại Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.
Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung, nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới được cung cấp dịch vụ logistics theo các điều kiện sau:
- Thứ nhất, đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa):
– Được thành lập các công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%. Tổng số thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam (hoặc được đăng ký ở Việt Nam) thuộc sở hữu của các công ty này tại Việt Nam không quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam.
– Công ty vận tải biển nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp.
- Thứ hai, đối với Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (có thể dành riêng một số khu vực để cung cấp các dịch vụ hoặc áp dụng thủ tục cấp phép tại các khu vực này), được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
- Thứ ba, đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%.
- Thứ tư, đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
- Thứ năm, đối với trường hợp kinh doanh các dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước.
- Thứ sáu, đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%.
- Thứ bảy, đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ, được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%. 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.
- Thứ tám, đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không.
- Thứ chín, đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật
– Đối với những dịch vụ được cung cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ được thực hiện dưới hình thức doanh nghiệp trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước sau ba năm hoặc dưới hình thức doanh nghiệp trong đó không hạn chế vốn góp nhà đầu tư nước ngoài sau năm năm, kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó.
– Không được kinh doanh dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải.
– Việc thực hiện dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật bị hạn chế hoạt động tại các khu vực địa lý được cơ quan có thẩm quyền xác định vì lý do an ninh quốc phòng.
3. Thủ tục đăng thành lập công ty Logistics đối với nhà đầu tư nước ngoài khi kinh doanh dịch vụ Logistic tại Việt Nam
Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo điểm a khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư 2020 thì dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (trong trường hợp này là thành lập công ty tại Việt Nam để kinh doanh dịch vụ Logistics) thì thuộc trường hợp phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện theo quy định tại Điều 38 Luật Đầu tư 2020, Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Bước 2: Thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Đối với các loại kinh doanh dịch vụ Logistic mà pháp luật quy định nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp thì nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp để kinh doanh loại dịch vụ logistics đó. Tuy nhiên trong quá trình thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý đến mức tỷ lệ vốn tối đa của mình trong doanh nghiệp theo quy định của từng loại kinh doanh dịch vụ Logistic.
Nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn một trong các loại hình doanh nghiệp sau:
● Công ty TNHH một thành viên. Đối với loại hình này, nhà đầu tư nước ngoài chỉ lựa chọn khi kinh doanh dịch vụ Logistic không giới hạn tỷ lệ vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
● Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Đối với loại hình này, nhà đầu tư nước ngoài phải liên doanh với thương nhân Việt Nam.
● Công ty Cổ phần. Đối với loại hình này, nhà đầu tư nước ngoài phải liên doanh với thương nhân Việt Nam.
Bước 3: Xin cấp Giấy phép kinh doanh theo pháp luật chuyên ngành
Tùy thuộc vào loại dịch vụ logistics mà nhà đầu tư quyết định đầu tư kinh doanh thì pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực đó yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh về lĩnh vực đó mới có thể hoạt động.
Trên đây là nội dung tư vấn của KALF về Kinh doanh dịch vụ Logistics đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tất cả các ý kiến tư vấn trên của chúng tôi đều dựa trên các quy định pháp luật hiện hành. Nếu như Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc, yêu cầu nào về các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp kịp thời qua các thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH K & ASSOCIATES
Địa chỉ : Lầu 04, số 05 Nguyễn Thị Nhung, KĐT Vạn Phúc, Tp.Thủ Đức, HCM.
Email : info@k-associates.vn
Điện thoại : (+84) 338747705 (Zalo, facebook, viber, Instagram)
Hotline : (+84) 937298177