Việt Nam là một quốc gia thu hút nhiều người nước ngoài đến làm việc và sinh sống. Tuy nhiên, để có thể làm việc hợp pháp tại Việt Nam, người nước ngoài cần phải có giấy phép lao động. Đây là một quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp trong nước. Nhưng việc xin cấp giấy phép lao động không phải lúc nào cũng dễ dàng. Người nước ngoài có thể gặp phải nhiều vướng mắc về thủ tục, điều kiện, thời hạn và chi phí.
Bài viết này sẽ giới thiệu những vướng mắc khiến người nước ngoài không được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam và cách khắc phục chúng.
1. Thời gian cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài còn chậm trễ
Thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã liên tục phản ánh về việc các cơ quan chức năng liên tục trễ hẹn đối với việc cấp giấy phép lao động nước ngoài, dù đã nhiều lần kiến nghị nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cấp giấy phép lao động chậm trễ là do :
- Còn nhiều nội dung bất cập trong Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Điển hình nhất là quy định về xác nhận kinh nghiệm làm việc, thời gian, các mẫu hồ sơ.. ; hồ sơ xin cấp giấy phép cho lao động nước ngoài ngày càng nhiều; xác minh hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp mất nhiều thời gian, do phải làm kỹ và rút kinh nghiệm từ các vi phạm xảy ra trước đây.
- Nhiều doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ, đầy đủ, thực hiện chưa đúng các quy định về cấp giấy phép cho lao động nước ngoài theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, trong đó có những hồ sơ nghi giả nên phải gửi các đơn vị, cơ quan xác minh, trả lại hồ sơ.
- Phần mềm ứng dụng cấp giấy phép xuống cấp, quy trình thực hiện các bước không còn phù hợp, dẫn đến việc chuyển quy trình chậm; công tác phối hợp với các sở, ngành để chia sẻ dữ liệu, rà soát, kiểm tra, đối chiếu các thông tin về doanh nghiệp chưa đồng bộ; chuyên môn của cán bộ tham mưu cấp giấy phép cho lao động nước ngoài còn hạn chế, cùng lúc phải làm nhiều việc dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.
2. Phải chuẩn bị nhiều giấy tờ, tài liệu khác nhau
Tùy thuộc vào mục đích, vị trí mà người sử dụng lao động muốn người lao động nước ngoài tại Việt Nam phải đảm nhiệm thì các loại giấy tờ, tài liệu cần chuẩn bị cũng sẽ khác nhau. Theo Điều 9 Nghị định số 152/2020 của Chính phủ quy định hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài gồm 08 loại giấy tờ khác nhau, cụ thể:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động (theo mẫu);
- Giấy chứng nhận sức khỏe/giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền cấp;
- Phiếu lý lịch tư pháp/văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải đang chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự do nước ngoài/Việt Nam cấp;
- Văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;
- 02 ảnh màu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu);
- Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài;
- Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị;
- Giấy tờ khác liên quan đến người lao động nước ngoài trong trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, làm việc cho tổ chức phi chính phủ…
Trong số đó, có loại giấy tờ, tài liệu cần thời gian và chi phí để được cấp, đơn cử như:
- Trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì người sử dụng lao động phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí làm việc, sau đó báo cáo giải trình với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội/UBND cấp tỉnh nơi người lao động dự kiến làm việc.
- Phải có văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của cơ quan có thầm quyền, ngưới sử dụng lao động mới có cơ sở để xin giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.
Như vậy có thể thấy rằng, người lao động nước ngoài khi làm thủ tục xin giấy phép lao động sẽ phải trải qua rất nhiều công đoạn khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian cho những loại giấy tờ này.
3. Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ phức tạp và tốn nhiều thời gian
Khoản 10 Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, các loại giấy tờ được nêu tại phần 2 bên trên phải nộp 01 bản gốc/bản sao có chứng thực.
Và theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2011/NĐ-CP, “Hợp pháp hóa lãnh sự” được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài. Theo đó, các loại giấy tờ cần thiết để nộp cho các cơ quan chức năng như việc xin cấp, gia hạn giấy phép lao động sẽ được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.
Như vậy thấy rằng nhiều người lao động nước ngoài cũng sẽ cảm thấy khá mơ hồ về khái niệm hợp pháp hóa lãnh sự, bên cạnh đó thì thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự chưa thật sự phổ biến dẫn đến việc họ không biết quy định về việc thực hiện các thủ tục cần thiết, gây tốn nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục này.
4.Thời gian xin giấy phép lao động tương đối dài
Để người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam, người sử dụng lao động phải thực hiện các thủ tục khác nhau mất khá nhiều thời gian:
- Xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài: 10 ngày làm việc (Điều 4 Nghị định 152/2020/NĐ-CP);
- Xin lý lịch tư pháp: 10 ngày, trường hợp cần xác minh kéo dài tới 15 ngày (khoản 1 Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009);
- Xin giấy phép lao động: 05 ngày làm việc (khoản 2 Điều 11 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).
Tổng thời gian để hoàn thiện hồ sơ cũng như xin cấp giấy phép lao động theo quy định sẽ dao động từ 25 – 30 ngày. Tuy nhiên, thực tế thời gian giải quyết sẽ kéo dài hơn (do nhiều nguyên nhân), thường rơi vào khoảng 45 – 60 ngày.
5. Thời hạn hiệu lực của giấy phép lao động không dài
Theo quy định trước đây, giấy phép lao động cấp cho người nước ngoài có thời hạn tối đa là 3 năm. Tuy nhiên, theo Điều 155 Bộ luật Lao động 2019, từ năm 2021 trở đi, thời hạn hiệu lực tối đa của giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là 2 năm.
Trường hợp giấy phép lao động hết hạn thì khi gia hạn thì chỉ được gia hạn 01 lần với thời hạn tối đa là 02 năm.
Theo đó, một giấy phép đã bao gồm cả việc gia hạn sẽ có hiệu lực tối đa ở Việt Nam là 4 năm. Nếu doanh nghiệp tiếp tục sử dụng lao động quá thời gian này thì buộc phải đi xin cấp một giấy phép lao động mới.
Việc giấy phép lao động có hiệu lực ngắn và giới hạn như vậy đã phần nào tạo ra nhiều bất cập đối với người lao động nước ngoài cũng như doanh nghiệp sử dụng lao động đó, đặc biệt là trong trường hợp cả hai bên đều không nắm rõ hay không chú ý đến thời hạn của giấy phép lao động.
Hơn nữa, một điểm bất tiện nhất có thể dễ dàng nhận thấy là giữa 2 bên không thể giao kết hợp đồng lao động vô thời hạn mà tối đa chỉ có thể giao kết hợp đồng lao động không quá 2 năm vì phải tuân thủ theo thời hạn hiệu lực của giấy phép lao động.
Những vướng mắc khiến người nước ngoài không được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến nhiều yếu tố như chính sách, pháp luật, văn hóa và kinh tế. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác và thống nhất giữa các bên liên quan, bao gồm cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức xã hội.
KALF cam kết cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tư vấn và hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp, hiệu quả và kịp thời trong việc xin cấp, gia hạn hoặc thay đổi giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường lao động Việt Nam, đồng thời tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động nước ngoài.